Nhọc nhằn nghề “thổi hồn” vào đá ong ở Bình Yên

Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết, những người thợ điêu khắc, chạm trổ đá ong ở xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) đã biến từ tảng đá trầm tích, thô sơ trở thành các tác phẩm nghệ thuật tràn đầy xúc cảm, cuốn hút người xem.

Nghề “ăn, ngủ” với đá ong

Lâu nay, đá ong được coi là một thứ “đặc sản” riêng mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho vùng đất xứ Đoài (Sơn Tây cũ). Loại đá có màu nâu đỏ, kết cấu rắn chắc, lỗ chỗ như tổ ong mà theo các vị cao niên am hiểu chữ Hán trong vùng thì tên “Thạch” có nghĩa là đá, còn “Thất” là nhà. “Thạch Thất” nghĩa là xứ sở của những ngôi nhà làm bằng đá.

Đến xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), đi đâu người ta cũng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà hay bức tường làm bằng chất liệu đá ong. Kèm theo đó là âm thanh của tiếng đẽo, tiếng đục, mài đá kêu rè rè, râm ran cả một vùng.

Bức phù điêu được những người thợ đá chạm trổ. Ảnh: Lan Nhi
Bức phù điêu được những người thợ đá chạm trổ. Ảnh: Lan Nhi

Từ những vỉa đá chìm sâu dưới lòng đất, người thợ điêu khắc vùng này đã kỳ công chế tác viên đá ong đều chằn chặn thành những tác phẩm lân rồng, phượng múa, trụ đèn… một cách tinh xảo, cuốn hút người xem.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hường ( thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên) chia sẻ: “Nhìn thì tưởng nhàn hạ, thế nhưng nghề làm đá ong ở đây cực nhọc vô cùng. Để có được những viên đá ong vuông thành, sắc cạnh hay cho ra lò một sản phẩm chế tác, người thợ đá phải kì công đẽo gọt trong nhiều giờ đồng hồ. Theo đó, có chỗ đá nhô hẳn trên mặt đất, có chỗ lại chìm sâu dưới lớp đất màu. Thợ làm nghề cả ngày chỉ quanh quẩn đục đẽo, ăn, ngủ cùng với đá”.

Anh Nguyễn Văn Nguyên kỳ công chạm trổ sản phẩm đá ong trong nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: Lan Nhi
Anh Nguyễn Văn Hường kỳ công chạm trổ sản phẩm đá ong trong nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: Lan Nhi

Anh Hường cho biết, đá ong có đặc tính vừa mềm vừa giòn nên chỉ cần chạm nhẹ lưỡi cưa máy vào là khối đá có thể vỡ vụn. Chính vì vậy, việc đào đá, tạc tượng, chạm trổ các chi tiết… tất cả công đoạn hầu hết đều chỉ trông vào chiếc thó cổ truyền và cơ bắp của người làm nghề.

Từ khối đá phôi, thân đá lỗ chỗ chìm sâu dưới lòng đất, qua bàn tay và khối óc sáng tạo của người thợ sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn.

Lưu giữ “hồn” đá ong

Theo quan sát, mỏ đá ong “trời phú” cho vùng quê Bình Yên nằm men theo các quả đồi, dưới từng thớ đất màu mỡ bên bờ sông Tích. Trước đây, đá ong thường được bà con khai thác làm vật liệu xây dựng làm nhà cửa, tường rào, đình chùa, chum vại, kè bờ ao hay lát đường làng, ngõ xóm.

Những viên đá ong đều chằn chặn có mặt từ đầu làng đến cuối xã Bình Yên. Ảnh: Lan Nhi
Những viên đá ong đều chằn chặn có mặt từ đầu làng đến cuối xã Bình Yên. Ảnh: Lan Nhi

Người dân nơi đây coi đá ong như một phần gắn liền với họ từ khi sinh ra, lớn lên và cả khi họ lìa trần thế để trở về đất mẹ. Và họ coi đó là một “món quà” riêng biệt mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất xứ Đoài.

“Hoa văn trên đá ong rất phong phú, nhưng đẹp nhất là các loại hoa râu, hoa sắt, hoa tổ mối, hoa trai son, hoa trai than… mỗi loại có một vẻ đẹp riêng. Tìm được những khối đá ong lớn ẩn sâu, rải rác trong lòng đất đã khó, hì hục đào để giữ nguyên khối về nhà còn khó hơn nhiều. Nghề tạc tượng đá ong là một việc không hề đơn giản, vì nó đòi hỏi phải hết sức kiên trì, cần mẫn. Đôi khi phải có điều kiện kinh tế thì mới thỏa mãn được niềm đam mê của mình” – ông Nguyễn Văn Nhã (một người dân trong vùng) cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Mỹ (sinh năm 1954, trưởng thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên) thông tin, ở Thạch Thất có nhiều loại đá ong, thế nhưng nguồn đá ong tốt nhất phải nhắc đến là xã Bình Yên. Theo ông Mỹ, đây là loại nghề truyền thống lâu đời, không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà nó còn góp phần làm diện mạo riêng biệt trong nét văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng nơi đây.

LAN NHI – TÙNG GIANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *